UBND Tân Khánh

Quá trình Nam định thay đổi

Trở lại vùng quê cách mạng Hải Đường Hải Hậu

Đăng ngày:

Sải chân bước đi trên những dong ngõ sạch sẽ, râm mát, ngát hương cau khiến chúng tôi luôn có cảm giác thanh bình, trong trẻo đến lạ thường. Ở khắp các thôn, xóm những hàng cau xanh, thẳng tắp trồng hai bên ven đường vươn lên trời cao được điểm xuyết bởi hoa thanh long, mười giờ, thủy tiên… rực rỡ sắc màu toát lên sự trù phú rất riêng của vùng đất này.

Thành quả đó có được của ngày hôm nay là kết quả sự đấu tranh kiên cường, bất khuất, sự hy sinh không tiếc máu xương của bao thế hệ cha ông, của đất và người Hải Đường. Với ông Nguyễn Văn Nghiễm sinh năm 1937, người cán bộ lão thành với 49 năm tuổi Đảng, là Bí thư Đảng ủy xã Hải Đường giai đoạn 1981-1987, người đã trải qua những giai đoạn gian khó của cách mạng dân tộc; nhất là thời kỳ “hai năm bốn tháng” (1949-1951) thì đó là truyền thống đầy tự hào.

Theo ông Nghiễm, người dân Hải Đường luôn được “rèn luyện” và hun đúc ý chí cách mạng, bởi đây là nơi thực dân Pháp chọn để xây dựng đồn bốt đóng quân, nhà tù để giam giữ, tiêu diệt những người chiến sĩ cộng sản. Chính hoàn cảnh đó đã tạo nên ý chí cách mạng cho người dân Hải Đường.Cùng với tinh thần cách mạng luôn được “thử lửa, rèn rũa”, với vị trí đắc địa là gần biển, lại “dễ tiến, thuận lui” bảo đảm an toàn, bí mật nên Hải Đường cũng là địa điểm “lý tưởng” được các cơ quan, ban, ngành lựa chọn đứng chân để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Lịch sử ngành Ngân hàng tỉnh ghi nhận, tháng 7-1951 Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Ninh – tiền thân của Ngân hàng Nam Định được thành lập tại làng Bái, Nho Quan (Ninh Bình).

Sau ít ngày thành lập, trước yêu cầu cách mạng của tình hình mới, tháng 3-1952 Ngân hàng Nam Định được tách khỏi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Ninh và về đóng trụ sở tại xã Hải Đường.

 

Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và người dân Hải Đường luôn phát huy cao độ tinh thần cách mạng, tập trung khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh cũng như tranh thủ những nguồn lực tài chính, tín dụng từ các ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn để đầu tư cho phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo dựng diện mạo nông thôn mới (NTM) cho quê hương. Đánh giá về vai trò của nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn, đồng chí Trần Thanh Huyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đường cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có các Ngân hàng NN và PTNT và Ngân hàng CSXH huyện đang hoạt động khá hiệu quả. Hằng năm, các đơn vị đang giải ngân cho các hộ gia đình vay từ 65 đến 70 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng thực sự là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế hộ ở địa phương. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đều có sự phát triển khá ổn định.

 

Chính nguồn vốn vay đã tạo đà để họ vươn lên, chủ động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, xã hội, từ đó tạo tiền đề quan trọng để các cấp chính quyền huy động nguồn lực trong dân hoàn thành kế hoạch, mục tiêu chương trình xây dựng NTM đã đề ra của địa phương. Gia đình ông Phạm Văn Định ở xóm 21 được Ngân hàng NN và PTNT cho vay 100 triệu đồng đã đầu tư trồng hơn 1ha cây cảnh, xây dựng lò sấy cau xuất khẩu.

 

 

Làm ăn phát triển ổn định, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường thường xuyên cho 60 lao động với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng… Đồng chí Trần Văn Dự, Bí thư chi bộ xóm 9 cho biết: Được chính quyền tạo điều kiện cùng sự “tiếp sức” nguồn vốn kịp thời của các ngân hàng, nhiều hộ trong xóm mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, nếp làm cũ, thực hiện chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần cấy lúa. Hiện trong xóm có 140 hộ trồng thanh long với tổng diện tích 50 mẫu. Một số hộ trồng nhiều như ông Phạm Văn Giang trồng gần 1 mẫu thanh long đỏ, Trần Văn Hà trồng 7 sào, Phạm Văn Sơn trồng 5 sào…

Không chỉ cho thu nhập cao hơn cấy lúa truyền thống, trồng thanh long, trồng hoa, cây cảnh còn kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển, giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Hiện mô hình này đang được tiếp tục được nhân rộng ra các thôn, xóm khác trong xã…

Xác định nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng là nguồn lực quan trọng để giúp địa phương đầu tư cho phát triển, vì vậy UBND xã Hải Đường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng để người dân dễ dàng và thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng.

Trong đó định hướng các ngân hàng ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành chủ động phối hợp với các ngân hàng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng để người dân hiểu rõ những quy định của ngân hàng về mức vay, thời gian vay, cách thức hoàn thiện hồ sơ vay vốn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay… từ đó nhanh chóng tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp và bảo đảm sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.

 

Riêng đối với nguồn vốn tín dụng chính sách, UBND xã yêu cầu các hội, đoàn thể nhận ủy thác, bao gồm: Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, các tổ tiết kiệm và vay vốn của các thôn, xóm thực hiện bình xét, quyết định về khoản vay, kỳ hạn, mức vay đối với từng hộ vay bảo đảm công khai, dân chủ, nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và người vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Thực tế thời gian qua, nguồn vốn từ các ngân hàng đã góp phần xây dựng, hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương. Điển hình như mô hình trồng cam Canh của ông Phạm Văn Bình ở xóm 15, với diện tích 1.500m2 cho thu nhập cao, tạo việc làm cho 4-5 lao động; mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Trần Văn Anh với diện tích gần 8 sào cho thu nhập cao gấp 4 lần cấy lúa…

Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn mua máy móc, các loại phân bón, giống cây trồng có năng suất chất lượng tốt, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tăng thêm nguồn thu, nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Nhờ đó đến nay, Hải Đường đã hình thành được các vùng chuyên canh rõ nét. Đến năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của xã chỉ còn 5,98%, hộ cận nghèo 6,98%. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của Hải Đường ngày càng có sự chuyển dịch tích cực, tổng giá trị sản xuất năm 2016 đạt 406,5 tỷ đồng, tăng 57,4 tỷ đồng so với năm 2015.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Đường đang tiếp tục bồi đắp, làm giàu thêm truyền thống cách mạng của quê hương bằng sự mạnh dạn đổi mới trong phát triển kinh tế – xã hội. Đó cũng là nền tảng vững chắc để Hải Đường tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương NTM bền vững ngày càng giàu mạnh, văn minh trong những năm tới./.

Bình luận